Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí

Thu Nov 21 09:38:00 GMT+07:00 2024

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất các bên cùng nhau chọn thời điểm Tháng 11 Năm 2024 là điểm mốc, đánh dấu cho các hành động chung - các giải pháp phối hợp liên ngành - cam kết cho sự phối hợp và gắn kết giữa các cơ quan Trung ương và Địa phương trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí – một vấn đề ô nhiễm môi trường chung đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng các đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp nghe và chia sẻ về thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay của Việt Nam nói chung và các thành phố lớn của đất nước.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã trình bày nhiều kinh nghiệm thành công giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí của một số nước trong khu vực, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT)

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đề nghị, trước mắt, cần rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Trong đó, cần tập trung vào các chính sách về thuế, phí BVMT; chính sách về hỗ trợ về công nghệ xử lý, sản phẩm thân thiện với môi trường… Đồng thời, thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải để xác định chính xác mức độ của các nguồn khí thải,từ đó có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu, xử lý đúng, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ GTVT)

Với Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường cho biết, Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp bao gồm kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, trước khi đưa vào lưu hành cũng như các loại xe cơ giới đang lưu hành; kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.

Bà Lê Thái Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế

Nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí có tác động trực tiếp tới sức khoẻ con người. Do đó, bà Lê Thái Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết Bộ đã thực hiện một số giải pháp bao gồm: Xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” theo các mức chỉ số chất lượng không khí AQI cho người bình thường và những người nhạy cảm.

Đồng thời, xây dựng sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông và xây dựng hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm môi trường không khí” của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.

Ông Nguyễn Minh Tấn – Phó GĐ Sở TN&MT Hà nội

Với các địa phương, ông Nguyễn Minh Tấn – Phó GĐ Sở TN&MT Hà nội cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó có các chương trình hành động để hướng tới mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ hoạt động giao thông, công nghiệp, dân sinh...; Thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng huy động các nguồn lực và sự tham gia để thực hiện các giải pháp ngắn và dài hạn.

Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh - Chi cục BVMT TPHCM cho biết, hiện nay chính quyền Thành phố đã phân công các sở, ngành thực hiện các nhóm giải pháp chung, cùng với Sở TN&MT có trách nhiệm chủ trì, đôn đốc sở, ngành thực hiện kế hoạch.

Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh - Chi cục BVMT TPHCM

Hiện tại, Thành phố đang duy trì quan sát với 36 điểm liên quan tới không khí. Theo Quy hoạch, Thành phố sẽ có 34 điểm quan trắc không liên tục và 20 điểm quan trắc liên tục về ô nhiễm không khí. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình, giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ giao thông.

Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng bộ tài liệu về không khí để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đối với công tác dự phòng, Thành phố đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về cây xanh, mặt nước đô thị. Hiện phong trào trồng cây xanh được phát động đến từng hộ gia đình, cơ quan, trường học.

Tham luận tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm Quản lý chất lượng không khí thực tiễn của Băng Cốc, Thái Lan. Đồng thời có một số kiến nghị, đề xuất đối với TP. Hà Nội & TP. Hồ Chí Minh.

PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Với việc Băng Cốc, Thái Lan trước đây rất ô nhiễm, nhưng chính quyền sở tại của các thành phố trên đã có nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai việc giảm ô nhiễm không khí và đã có được nhiều kết quả ghi nhận.

Lấy ví dụ về chính sách, giải pháp của chính quyền Băng Cốc. Họ đã thành lập Ủy ban Phòng ngừa và Giải quyết Ô nhiễm Không khí do bụi PM2.5 của Cục Quản lý Đô thị Băng Cốc (BMA) - Chủ tịch Ủy ban là Thống đốc Băng Cốc và Thành lập Trung tâm Điều phối và Giải quyết Ô nhiễm không khí của BMA – Điều hành bởi Thống đốc Băng Cốc.

Chức năng của hai cơ quan này sẽ theo dõi, báo cáo và công bố tình hình ô nhiễm bụi PM2.5, thống nhất nỗ lực của các bên liên quan để giải quyết vấn đề kịp thời. Trong trường hợp nồng độ bụi PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn, Trung tâm sẽ thông báo cho văn phòng các quận trong khu vực và các cơ quan có liên quan để có hành động ngay lập tức.

Nhiệm vụ của hai cơ quan này sẽ giám sát việc thực hiện các giải pháp ngắn hạn như: Vệ sinh, phun nước rửa đường; Tăng cường kiểm tra và hạn chế các loại phương tiện gây ô nhiễm; Điều tiết giao thông và thúc đẩy sử dụng hệ thống giao thông công cộng; Kiểm soát bụi từ hoạt động xây dựng; Cấm đốt rác, đốt mở ...

Đối với việc giám sát việc thực hiện các giải pháp dài hạn: Nâng cao tiêu chuẩn khí thải ô tô và chất lượng nhiên liệu; Phát triển mạng lưới giao thông công cộng; Cung cấp các tòa nhà “Park&Ride” để thúc đẩy sử dụng hệ thống giao thông công cộng; Mở rộng mảng xanh đô thị…

Trên cơ sở đó, PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cho hai thành phố Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh về Công cụ quản lý chất lượng không khí; Chính sách, giải pháp, nguồn lực; Sự phối hợp liên vùng, liên tỉnh trong công tác quản lý chất lượng không khí.

Tháng 11 Năm 2024 - đánh dấu cho các hành động chung - giải pháp phối hợp liên ngành

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Hội nghị đã cung cấp các thông tin đầy đủ, cụ thể và mang những thông điệp quan trọng, khẳng định quyết tâm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu để tổng hợp, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn về kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất Tháng 11 Năm 2024 - đánh dấu cho các hành động chung - giải pháp phối hợp liên ngành

Trên cơ sở có nhiều ý kiến từ các đại biểu tham dự đề nghị cần quyết liệt, bài bản hơn nữa trong tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, cần lựa chọn nội dung ưu tiên và tập trung nguồn lực triển khai để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó nhấn mạnh vào khâu tổ chức thực hiện và các giải pháp thực thi.

Với quyết tâm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề xuất các bên cùng nhau chọn thời điểm Tháng 11 Năm 2024 là điểm mốc, đánh dấu cho các hành động chung - các giải pháp phối hợp liên ngành - cam kết cho sự phối hợp và gắn kết giữa các cơ quan Trung ương và Địa phương trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí – một vấn đề ô nhiễm môi trường chung đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay.

“Cùng nhau hành động” với 05 nhóm giải pháp

Trên tinh thần “cùng nhau hành động” từ các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, về nhóm các giải pháp về thể chế chính sách, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng không khí, trong đó, cần tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (thuế nhập khẩu) đối với thiết bị, công nghệ xử lý, giảm thiểu phát sinh khí thải; chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ sản phẩm thu hồi như phụ phẩm nông nghiệp; quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu và sản xuất trong nước…

Trên tinh thần “cùng nhau hành động” từ các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thứ hai, nhóm các giải pháp về kỹ thuật, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối dữ liệu trực tuyến. Trên nguyên tắc chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố công khai theo quy định của pháp luật.

“Bây giờ ô nhiễm môi trường không khí chúng ta có thể cảm nhận được, có thể quan sát được. Nhưng chính xác mức độ như thế nào? ở thành tố, thành phần nào và tác động đến đâu thì phải thông qua số liệu quan trắc, có phân tích, có tổng hợp để từ đó đưa ra các quyết định phù hợp” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cần chuẩn hóa hệ thống quan trắc hiện có, trên cơ sở bổ sung thêm một số trạm quan trắc tự động đảm bảo số liệu được truyền, kết nối theo quy định về Sở TN&MT và Bộ TN&MT thường xuyên, liên tục và không bị gián đoạn; Tập trung triển khai Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI) cần được thực hiện nghiêm túc và kịp thời, nhằm công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí theo quy định.

Thông qua Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị:

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ngay tình trạng phát sinh bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng (được xác định là nhóm nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm bụi PM 2.5 trong không khí cao nhất );

Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Thứ ba, nhóm các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải di động, nguồn phân tán, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng trách nhiệm thực thi nội dung này chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương các cấp. Trong đó:

Đề nghị Sở TN&MT các địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí. Tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động về chất lượng không khí và thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý trung ương cũng như cho người dân.

Đồng thời, Sở TN&MT các địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn, từ đó, có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, đóng cửa các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Kiện toàn tổ chức bộ máy nhân lực, quản lý nhà nước về môi trường nói chung trong đó có môi trường không khí và ban hành các kế hoạch hành động.

Đặc biệt, chính quyền địa phương phải tăng cường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp, “đã đến lúc chúng ta cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hành vi đốt phụ phẩm nông nghiệp, hành vi đốt rác thải đô thị, đốt các loại lá cây và sinh khối thực vật từ dọn dẹp vệ sinh đường phố một cách tùy tiện, gây ô nhiễm không khí.” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả thải; chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng tại các đô thị lớn.

Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng trong trung tâm thành phố, khu vực tập trung đông dân cư bảo đảm không để tình trạng rơi vãi vật liệu xây dựng, phát tán ra môi trường.

Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để ban hành và hướng dẫn thực hiện các giải pháp, biện pháp kỹ thuật bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt nhóm đối tượng nhạy cảm về hô hấp (người già, trẻ em, người có bệnh…).

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc khí thải tại nguồn; kiểm soát, xử lý bụi và khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải; Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ tư, nhóm các giải pháp về truyền thông, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tới người dân để chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.

Toàn cảnh “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” chiều 14/11

Thứ năm, nhóm các giải pháp về nguồn lực, đề nghị các địa phương quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải tác động đến chất lượng môi trường không khí, bổ sung diện tích cây xanh - mặt nước, tăng cường vệ sinh đường phố ... giảm thiểu phát tán ra môi trường. Về lâu dài, cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất.

Với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị với những sáng kiến hay, mô hình hiệu quả, rất cần được khuyến khích triển khai, nhân rộng. Nhân Hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng chung tay góp sức, tìm kiếm và triển khai các sáng kiến và triển khai các sáng kiến, thí điểm các “giải pháp xanh” áp dụng cho khu vực nội đô thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tới Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã rất rõ ràng và kiên định “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Với công tác bảo vệ môi trường không khí, chúng ta cần thống nhất khẳng định đây là công việc chung của toàn xã hội. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện.


baotainguyenmoitruong.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 602210