Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Từ ATK Định Hóa đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

2022-05-18 08:42:00.0

Ngày 06/12/1953, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Tổng Quân ủy báo cáo lần cuối kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 -1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ. (Ảnh: Tư liệu)

ATK Thái Nguyên thuộc hệ thống di tích lịch sử Chiến khu Việt Bắc được Chính phủ đánh giá là quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đã đưa ra nhiều chiến lược, sách lược quan trọng quyết định đến vận mệnh đất nước. Đặc biệt, ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo, Phú Đình, Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 -1954; đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Nava, từ đó làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến khó khăn, gian khổ của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.(Ảnh: Tư liệu)

Ngày 07/5/1954, quân đội ta tổng tấn công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu mưu trí, anh dũng dưới sự chỉ huy tài tình của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Quân đội ta tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên địch, bắt sống toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cátxtơri chỉ huy. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cátxtơri, đánh dấu mốc son chói lọi của con người, đất nước Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945 - 1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Trịnh Xuân Bát, cựu chiến binh Sư đoàn 312 từ tỉnh Thái Nguyên trở về Điện Biên thăm lại chiến trường xưa cho biết: Đã có hàng vạn người con của mọi miền Tổ quốc tham gia chiến dịch Tây Bắc, nhiều người vĩnh viễn nằm lại xứ sở hoa ban này.

Các cựu chiến binh về thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km

Đồng bào cả nước đã đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó nhiều người con của Thái Nguyên đã “Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh”, anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong Chiến dịch lịch sử này, Thái Nguyên đã có hơn 17.000 thanh niên tòng quân đánh giặc, hơn 15.000 dân công hỏa tuyến, trong đó 1.607 người hy sinh và được công nhận là liệt sĩ; 1.129 người được công nhận là thương binh. Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên cùng 63 tập thể, 3 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

ATK Định Hóa Thái Nguyên là căn cứ địa của cơ quan lãnh đạo kháng chiến, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ra quyết định lịch sử: Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tỉn Keo, Định Hóa, được coi là “trái tim” của chiến khu. Tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đó, ngày 01/01/1954, cũng tại nơi đây, Bộ Chính trị họp, chỉ định cơ quan lãnh đạo và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Bia ghi dấu những trận chiến ác liệt trên đồi A1 - Điện Biên Phủ

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa Bùi Huy Toàn chia sẻ: Tỉn Keo là một trong những di tích quan trọng nhất trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong những năm từ1948 đến cuối năm 1953 là căn lán nhỏ trên đồi Tỉn Keo, đồ dùng, phương tiện làm việc rất đơn sơ, thiếu thốn. Đến đây, ai cũng cảm nhận được cuộc sống khó khăn, gian khổ trong thời kỳ Bác Hồ và Trung ương Đảng ở ATK lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc là thắng lợi Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

ATK Định Hóa, Thái Nguyên là điểm đầu tiên - nơi quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, còn Điện Biên Phủ là kết quả thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Hiện nay, tuyến đường từ Quốc lộ 3 vào ATK đang được đầu tư nâng cấp để đồng bào cả nước về thăm chiến khu xưa thuận lợi hơn. Thời gian tới, tuyến đường kết nối Khu du lịch hồ Núi Cốc được quy hoạch mang tầm quốc gia với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK cũng được đầu tư, nâng cấp. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị ATK Định Hóa sẽ được tăng cường, tạo thêm động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Đức Năm
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 596993